Như tìm về chốn bình yên sau nhiều ngày tranh đấu nơi phố phường ồn ã, đồ chay cũng mang lại cho người ăn cảm giác được vỗ về, thanh tịnh tâm hồn sau những bộn bề, lo toan. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà con người càng hiện đại càng tìm đến đồ chay nhiều hơn. Cái đơn thuần nơi đồ chay làm lòng người cũng từ đó mà dịu đi, nhường chỗ cho những giờ phút thảnh thơi nơi tâm hồn.
Trong những nguyên liệu chay tự nhiên, có lẽ nấm là nguyên liệu được ưa chuộng và xuất hiện trong món chay nhiều nhất. Nguồn nguyên liệu dễ trồng, dễ thấy trong tự nhiên, lại mang tới nhiều chất dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon dễ khiến cả những người không có ý định ăn chay cũng đem lòng yêu mến.

Cũng vì thế, ruốc nấm được nhiều người tìm đến khi mới tập ăn chay và theo cùng suốt những ngày tháng ăn chay sau này. Cứ mỗi lần cần một món ăn chay ngon, bổ dưỡng lại tiện dụng, ruốc nấm sẽ được nhớ tới trước tiên.
Chuẩn Bị Nguyên Liệu Làm Ruốc Nấm Chay
Không chỉ được lựa chọn bởi tính dân dã, dễ ăn, ruốc nấm còn được ưu ái bởi nguyên liệu chẳng hề cầu kì. Chân nấm hương là yếu tố quyết định trước nhất, còn gia vị để tạo nên món ăn đều đã có sẵn trong bếp, chẳng cần mướt mải sắm sửa. Điểm lại những nguyên liệu cần chuẩn bị, ta sẽ thấy độ tối giản đến bất ngờ:
- 100gr chân nấm hương khô
- Gia vị: nước mắm chay, nước tương, hạt nêm, đường, dầu hào
Sáng đi chợ qua hàng đồ khô, nói cô bán hàng bán cho ít chân nấm hương về làm ruốc, ấy là người bán tự chọn những chân nấm to, dài để dễ thành sợi. Lựa chọn kĩ hơn một chút, tránh những chân nấm có phần gốc đen quá nhiều, khi làm ruốc, nấm sẽ được “dôi” hơn, tránh những phần bỏ đi mà lãng phí.
Chọn được đám chân nấm khô to, dài, ít gốc, người nội trợ phấn khởi như nông dân được mùa, chỉ mong nhanh chóng được thu hoạch, lúc ấy lòng mới thật sự thảnh thơi.
Cách Chế Biến Ruốc Nấm Chay Tại Nhà
Giữa những bộn bề cuộc sống, nấu ăn cũng là một cách mà người yêu bếp giải tỏa những căng thẳng thường nhật. Những mùi hương của tự nhiên trong món chay cũng khiến người nấu tự thấy mình cần chậm lại một phút, để lắng nghe tâm tình của từng nguyên liệu, lắng nghe chính tâm hồn mình lên tiếng.
Bước 1: Chân nấm mua về, đừng vì nghĩ cần làm nấm thật sạch mà ngâm nấm lâu. Rửa nấm để gột trôi những bụi bẩn, những gì ngọt thanh đã cô đọng trong từng sợi nấm gắng giữ lại, khi ấy món ăn mới giữ lại được cái hồn của nó.
Bước 2: Khẽ đun một nồi nước, để lửa to, cho vào những gia vị đã có sẵn: này hai thìa nước mắm, này hai thìa nước tương cùng hai thìa hạt nêm, thêm một thìa dầu hào và gần một thìa đường tạo nên một hỗn hợp vừa thơm, ngọt dịu mà lại mằn mặn. Khi hỗn hợp đã tan đều màu cánh gián, cùng với đó nhiệt độ nước đã ấm dần lên, khẽ thả chân nấm vào nồi.
Cho lửa nhỏ vừa, đó là lúc chân nấm được thấm đẫm hương vị. Người nấu chỉ cần chờ đợi 15-20 phút để thân nấm mềm ra, ướp trong mình tất cả hương liệu, ấy là lúc có thể vớt nấm ra, để nguội.
Bước 3: Người nấu chớ nôn nóng mà vội vàng xả nấm bằng nước lạnh. Lúc ấy những tinh chất vừa thấm vào trong nấm sẽ bị xả đi, làm bay hương vị của món ăn. Đã làm người nấu nướng, hãy thật kiên nhẫn để tự nhiên làm đúng vai trò của mình. Ra làm một ấm trà, thảnh thơi đọc sách và chờ nấm nguội, âu cũng là một cách tĩnh tâm.
Bước 4: Đến khi nấm nguội cũng là lúc hương vị đã thấm tới từng sợi nấm. Đó là lúc cắt bỏ những phần gốc nấm đen đen nơi chân cuống. Đừng mạnh tay cắt hết phần gốc mà hao phí, lựa nhẹ lưỡi dao gọt đi những phần đen, cứng của chân nấm mà thôi. Gốc vừa cứng, đen lại chẳng ngấm gia vị sẽ làm hỏng quá trình thưởng thức một món ăn nhẹ nhàng, chay tịnh.
Bước 5: Sau khi nấm đã được làm sạch, người chế biến lấy một chiếc khăn mỏng, dùng sức lực của đôi bàn tay mà vắt nấm cho cạn nước. Nghĩ cũng kì lạ, mất bao nhiêu công sức để ngấm nước gia vị vào nấm, giờ lại vắt hết đi. Thứ nước vắt đi ấy, chỉ là nước trong các khe hở, không thấm vào từng sợi, vắt đi chẳng những không hoài phí mà còn giúp quá trình sao ruốc dễ dàng hơn.

Bước 6: Chân nấm khô, mang vào cối giã cho dập để dễ dàng xé thành sợi. Đừng mạnh tay mà giã, nấm sẽ bị nát và mất hết chất, cũng đừng giã cách hời hợt, thân nấm không tách ra mà xé được. Nấm dập đều, dễ dàng xé thành từng sợi mỏng. Người tỉ mỉ xé chân nấm thành từng sợi mỏng tang, cả đám chân nấm bỗng thành một đống “bông” xù nhẹ, có lẽ cũng vì đó mà người miền Nam gọi cách thân thương là “chà bông”.
Bước 7: Khi những sợi nấm đã nằm yên chờ sẵn là lúc đến khâu chế biến cuối cùng. Bắc một chiếc chảo rộng, để lửa to cho nóng chảo rồi cho vào một chút dầu ăn. Không như món rán, xào cần nhiều dầu để làm chín thức ăn, dầu ăn xuất hiện trong ruốc nấm như một món gia vị khiến sợi nấm ngậy hơn, tôn lên vị đậm đà, mùi hương thanh mảnh của món ăn.
Dầu nóng, khẽ để lửa nhỏ bớt và đảo nấm thật đều tay. Nấm được đảo đến khi se mặt, màu chuyển sang màu cánh gián, ấy là lúc ruốc đã khô vừa bề mặt nhưng trong vẫn mềm, ngọt. Lửa to quá làm ruốc bị cháy, khô cong không còn hương vị, còn khi đảo dối lại khiến ruốc ướt, không tạo độ khô, khó để được lâu.
Để ruốc nấm vừa “khô” tới, khi nấm bắt đầu ngà màu, người nấu nên tắt bếp và đảo tiếp trên chảo nóng. Độ nóng của chảo khiến ruốc vừa chín tới mà khó bị cháy, dễ điều kiểm soát chất lượng ruốc.
Thưởng Thức Thành Quả
Sao xong một chảo ruốc nấm, ta thấy căn bếp như được ướp một làn hương thơm dịu. Cái thơm của thảo mộc khô cùng với gia vị làm món ăn không hề bị ngấy, ăn một miếng ruốc dai dai, vị ngọt thanh tan đều trong khoang miệng làm ta cứ liền tay lấy ruốc cho vào miệng thưởng thức mãi không thôi.
Ruốc nấm khô có thể để vào hộp cùng với một gói hút ẩm là có thể ăn cả tuần. Sáng ra làm một ít ruốc với xôi nóng, trưa mang đi cùng cơm trắng làm thành bữa trưa văn phòng bận rộn nhưng vẫn đủ chất, chiều về nhà chưa kịp có cơm, làm vài gắp ruốc nấm cũng đủ làm dịu đi cái bụng đang sục sôi vì đói.
Nghĩ tới công đoạn làm ruốc nấm khiến nhiều người ngán ngẩm, nhưng cái ngon, sự tiện dụng của ruốc nấm cũng đáng để người nấu dành thời gian. Mà có mệt mỏi gì đâu, đâu chỉ lúc ăn ta mới thấy thanh tịnh tâm hồn, ngay từ khi nấu, cách nâng niu món ăn đã khiến ta trân quý cuộc sống lắm rồi.
* Vui lòng xem mục Bản quyền khi muốn sử dụng lại bài viết.