Trước giờ mình luôn nghĩ rằng cách làm bibimbap chỉ có một kiểu nước trộn gồm gochujang, xì dầu, dầu vừng, mật ong. Nhưng đợt đi Hàn Quốc cách đây vài năm, mình có đến Gyeongju bị bất ngờ khi được ăn món cơm trộn không hề cay ở đây.
Tương để trộn cơm có màu vàng nâu chứ không phải màu đỏ, nhưng vị thì thơm ngon cực kỳ. Chính vì không hề cay nên món ăn cực kỳ dậy vị các thành phần trong đó.
Mình nghĩ là món này khá hợp với người Việt mình nên mày mò mãi cách làm Bibimbap không cay và rút ra được công thức. Hy vọng sẽ phù hợp với khẩu vị của nhiều người.
Cơm trộn bibimbap mình ăn ở Gyeongju là được đặt vào trong bát kim loại như hình dưới, thức ăn để vào một bát to, còn cơm để riêng trong một hộp nắp kín. Khi nào ăn thì sẽ bỏ cơm và sốt vào trộn đều. Ngoài ra, thì 1 phần ăn cũng có kèm khá nhiều banchan nhưng hầu hết là kimchi nên mình cũng không có ấn tượng gì mấy.
Thành phần của món cơm trộn Hàn Quốc bibimbap thì về cơ bản có cơm, rau củ quả, thịt, và có thể thêm chút trứng nữa. Sau đó sẽ được trộn đều với sốt thành một hỗn hợp cơm nóng và thơm ngon. Mình sẽ đi vào chi tiết từng thành phần nhé!

1) Cơm Trong Món Bibimbap
Bình thường mọi người ra quán Hàn Quốc dành cho sinh viên thì thấy bibimbap thường được nấu bằng cơm trắng, tuy nhiên mình nghĩ bạn có thể trải nghiệm thử việc nấu lẫn gạo lức với gạo thường để thành món cơm độn.
Việc nấu cơm gạo trắng cùng với gạo lức huyết rồng sẽ khiến cho cơm không còn màu trắng mà sẽ chuyển màu nâu tím, và khi nhai thì miệng chúng mình có thể cảm nhận được nhiều vị hơn, vì vốn gạo lức dẻo hơn gạo thường mà.
Cách nấu cơm độn thì đơn giản rồi, chỉ cần ngâm gạo lức huyết rồng trước khoảng 30 phút, rồi sau đó đổ thêm gạo trắng vào, đong nước bằng nguyên tắc đốt ngón tay là được.

Tỷ lệ gạo lức và gạo trắng thì tùy sở thích và khẩu vị của mọi người, mình thường nấu với tỉ lệ ⅕ hoặc ⅙ thôi để vẫn cảm nhận được nhiều vị dẻo của gạo trắng.
Món cơm độn có lẽ chỉ các cụ ngày xưa của Việt Nam mình mới hay ăn, kiểu như cơm độn khoai hay độn sắn ấy. Nhưng các bạn Hàn thì hay ăn cơm độn lắm nhé, từ độn các loại đậu, cho đến hạt dẻ, gạo lức. Và mình thì thấy ăn như vậy khá là ngon và đỡ ngấy cơm hơn (vốn mình không thích ăn cơm lắm).
2) Rau Củ Trong Món Bibimbap
Thường thì trong món bibimbap, mình nghĩ là không có một giới hạn cụ thể nào cho loại rau củ được lựa chọn để trộn. Tuy nhiên, để cho món ăn được bắt mắt thì mình nghĩ nên chọn các loại rau củ màu sắc đối lập với nhau.
Các loại rau củ dùng trong bibimbap thì chỉ đơn giản là xắt khúc cỡ 5cm rồi xào sơ với dầu vừng và chút gia vị là được. Hoặc nếu muốn ăn thanh nhẹ hơn thì có một số loại rau củ như cà rốt, củ cải các bạn có thể muối chua ngọt nhẹ lên.
Các loại rau củ mình nghĩ có thể dùng trong món bibimbap, và lại dễ tìm ở Việt Nam, bao gồm:
- Kim chi cải thảo
- Rau cải ngọt
- Cà rốt bào sợi
- Kim chi củ cải cắt sợi
- Rong biển (có thể dùng loại rong biển tẩm gia vị, cũng ngon lắm đó)
- Nấm (bất cứ loại nấm nào cũng được, nhưng nếu sử dụng nấm màu nâu thì trông món ăn sẽ đẹp mắt hơn)
- Giá đỗ tương (giá đỗ tương có vị bùi hơn giá đỗ xanh khá nhiều, nhưng nếu gần chỗ bạn ở khó kiếm giá đỗ tương, và bạn còn ngại làm nữa, thì dùng tạm giá đỗ xanh thay thế cũng được)
3) Phần “Đạm” Trong Món Bibimbap
Phần đạm trong món bibimbap thường dùng thịt bò xắt chỉ rồi xào với xì dầu và dầu vừng. Nếu muốn thịt bò mềm các bạn có thể bóp thịt bò với một xíu baking soda, để khoảng 10 phút rồi rửa sạch, sau đó mới xào nhé! Ngoài thịt bò ra thì mình còn có thể có thêm một số lựa chọn sau:
- Trứng: trứng đánh tan với một chút gia vị, tráng mỏng rồi xắt thành sợi khoảng 5cm
- Chả cá Hàn Quốc: cắt thành dạng sợi cũng dài khoảng 5cm
- Trứng ốp sunny side egg
4) Nước Trộn Món Bibimbap
Phần sốt của món bibimbap có lẽ là phần mình sẽ giới thiệu cụ thể nhất, vì đây là loại sốt đặc biệt không cay nên có lẽ khá là khác với các công thức trên mạng các bạn có thể tìm kiếm được bây giờ.
Nguyên Liệu

- 2 tbsp sốt Doenjang (hộp màu nâu)
- 1 tbsp sốt Samjang (nếu bạn nào không thích ăn cay nhẹ có thể bỏ qua nguyên liệu này)
- 1 tbsp mật ong hoặc sugar syrup
- 1 tbsp dấm gạo
- 1 tsp tỏi băm
- 1 tsp dầu vừng
- 1 tsp vừng rang
Cách Làm
- Trộn đều các nguyên liệu phía trên lại với nhau, có thể gia giảm thêm vị mặn ngọt theo khẩu vị mỗi người
Cách làm trên quả là đơn giản đúng không nào? Nhưng mình đảm bảo sẽ mang đến hương vị một món cơm trộn cực khác luôn đấy!
Ghi chú: Đồ Hàn Quốc (bao gồm nguyên liệu, dụng cụ – bát đá, nồi niêu..) mình hay mua ở K-mart. Ngoài ra thì các loại sốt của Hàn Quốc có thể tìm thấy khá là dễ dàng trong nhiều siêu thị đồ nhập khẩu, hoặc siêu thị Unimart.