Tại sao chân gà sả tắc bị nhớt? Tại sao chân gà sả tắc bị đắng? Tại sao chân gà sả tắc không giòn? Món chân gà sả tắc nổi lên chắc cỡ tầm 1 năm nay và chưa hề hạ nhiệt, vì đây là món nhậu quá là ngon, trai gái ăn được tuốt nên chắc sang năm tới chỉ hạ nhiệt một chút rồi vẫn sẽ trường tồn cùng thời gian giống như kiểu nem chua rán ấy. Thế nhưng mà 3 câu hỏi trên chắc chắn những người tự làm chân gà sả tắc ở nhà như mình phải giật mình trăn trở ít nhất một lần. Thế nên thay vì chỉ đưa ra cách làm chân gà sả tắc, mình thích “bắt bệnh” món này hơn.
I) Bắt Bệnh Món Chân Gà Sả Tắc
1) Chân Gà Sả Tắc Bị Nhớt
Chân gà chứa cực nhiều gelatin, giống như bì heo vậy. Khi luộc chân gà thì một phần lớn gelatin sẽ được tan ra trong nước. Cũng chính vì vậy nên nếu hầm chân gà lấy nước, sẽ dễ dàng nhận thấy là phần nước dùng sẽ đông lại như thạch nếu để lạnh. Hay như miền bắc mình có món thịt gà đông hay nấu vào các dịp Tết ấy, cũng là dựa theo nguyên tắc này thôi. Thế nên theo mình, lý do chính để chân gà luộc bị nhớt chính là vì lượng gelatin còn trên chân gà bị “phai” ra phần nước ngâm sả tắc, nhưng lượng gelatin còn sót lại này không đủ nhiều để khiến nước đông lại, nên gây ra cảm giác “nhớt” mà mình hay thấy.
Thế nên, để loại bỏ nhớt ở món chân gà sả tắc này thì mình chỉ làm thêm một việc đơn giản đó là rửa chân gà thật thật kỹ sau khi luộc xong. Sau khi vớt chân gà ra khỏi nồi, mình sẽ đổ ra giá cho ráo nước đồng thời dùng nước sôi để nguội rửa đến khi sờ vào chân gà có cảm giác khô ráo và không còn dính nữa. Nếu được thì rửa chân gà bằng nước đá cho da gà săn vào, ăn cảm giác sẽ giòn hơn. Chính vì rửa chân kỹ với nước đá lạnh như vậy nên mình thường bỏ qua luôn bước ngâm chân gà vào nước đá, vì thời gian rửa xong cũng đủ cho chân gà nguội luôn rồi.
2) Chân Gà Sả Tắc Bị Đắng
Điểm lại các nguyên liệu để làm chân gà sả tắc, vị đắng có khả năng đến từ ba nguyên liệu:
- Lá chanh
- Hạt quất/ Hạt tắc
- Sả
Lá chanh vốn để tạo vị thơm cho món chân gà, nên thực tế ra đây chỉ là nguyên liệu “điểm xuyết”, đủ để tạo ra mùi thơm chứ không nên cho quá nhiều. Đối với một hộp 3 lạng chân gà mình sẽ chỉ dùng khoảng 2 lá chanh thôi, nhưng để “tận dụng” hết vị thơm của lá thì thay vì thái chỉ, mình sẽ vò sơ trước cho nát rồi mới thái chỉ.
Hạt tắc, hay hạt quất, thì khỏi phải nói rồi, ai cũng biết là mấy món dòng cam quất này mà ăn hạt thì đắng ra làm sao, nên để tránh bị đắng cho món chân gà, cách đơn giản nhất, đấy là bỏ hết hạt tắc đi thôi mà! Mình thường sẽ dùng một cái rây để lược lấy nước tắc thôi cho nhanh. Còn phần tắc cắt lát cho vào trong phần nước ngâm thì không cần nhiều, nên dùng đũa hoặc dao gảy hết hạt còn dư đi là được.
Sả cũng là một gia vị tạo mùi thơm “quyến rũ” cho món ăn này, nhưng thực tế sả cũng có một chút vị ngặm đắng nếu bị dùng quá nhiều. Dùng một lượng vừa phải đủ để tạo mùi thơm, giống lá chanh ấy, là đủ rồi.
3) Chân Gà Không Được Giòn
Chân gà không giòn thì có thể có hai nguyên nhân sau đây:
- Chân gà bị luộc quá chín, khiến chân gà nhừ và bắt đầu nứt ra. Lúc này phần da gà sẽ mềm và dính chứ hoàn toàn không giòn nữa. Cách xử trí thì chỉ đơn giản là đừng luộc chân gà quá kỹ thôi mà.
- Sau khi luộc chân gà, không rửa ngay qua nước lạnh, khiến cho hơi nóng trong phần chân gà vẫn tiếp tục “nấu chín” thêm trong quá trình để nguội, khiến cho chân gà bị mềm. Đồng thời, khi chân gà nóng gặp lạnh cũng sẽ xảy ra phản ứng co rút và làm cho da gà nhanh chóng săn lại, giòn hơn.
Mình đã viết một bài về cách luộc chân gà ngon lần trước rồi, để áp dụng cho món chân gà sả tắc lần này chắc chắn là vẫn được đó.
4) Nước Ngâm Chân Gà Bị “Nặng Mùi”
Nước ngâm chân gà thường được pha từ mắm, dấm, đường, ớt. Chính vì cái thành phần nước mắm trong phần nước ngâm chân gà khiến cho món này cũng có chút “nặng mùi”, đặc biệt là khi để lâu.
Thay vì dùng nước mắm, mình thường chỉ dùng muối tinh, hoặc có thể là bột canh. Phần nước ngâm lúc này, kể cả sau vài hôm, vẫn thơm lừng và dậy mùi sả, quất, lá chanh. Vì mùi muối không hề nặng, nên không hề át mùi thơm của các loại gia vị kia, khiến cho dù mình có cho tẹo lá chanh, tẹo sả thôi, thì nước ngâm cũng vẫn thơm lừng cả gian bếp.
5) Nước Ngâm Chân Gà Sả Tắc Bị “Gắt”
Vị “gắt” trong nước ngâm chân gà sả tắc, ấy là mình muốn nói đến vị dấm công nghiệp. Mình thường dùng dấm chuối tự làm trong các công thức nấu ăn khác vì vị dịu thơm của nó. Nhưng riêng với món này, mình sẽ hoàn toàn không sử dụng dấm, mà thay vào đó là dùng nước quất nguyên chất đã lọc bỏ hạt.
Nước quất sẽ giúp cho chân gà có một vị thanh cực kỳ dịu, mà lại thơm thơm. Nếu dùng toàn bộ nước quất trong công thức ngâm chân gà, thậm chí nếu có bớt vài lát quất cắt lát đi thì món chân gà vẫn thơm lừng mùi quất vô cùng. Cứ sang chảnh dùng nước quất nguyên chất một lần, là đảm bảo chẳng muốn quay lại dùng dấm công nghiệp ngâm gà luôn! Vị món ăn sẽ thay đổi cực kỳ nhiều, theo hướng thanh mát dịu nhẹ hơn.
II) Cách Làm Chân Gà Sả Tắc

1) Nguyên Liệu
- 300 gram chân gà, chặt đôi (sau khi chặt đôi xong mới luộc thì chân gà sẽ bị co rút một chút. Nếu bạn cần chân gà thẩm mỹ đẹp hơn thì luộc xong rồi hẵng chặt. Do tay mình yếu, không chặt được nên thường để ngoài hàng họ chặt trước, chân bị rút một tẹo cũng không vấn đề)
- 1/5 cup Muối tinh
- 1 cup Nước quất
- 1 cup đường
- 1 cup nước đun sôi để nguội
- 2 cây sả
- 2 lá chanh
- 3 trái ớt
- 2 quả quất, cắt thành lát dày 3mm và bỏ hạt
- 1 củ hành, thái lát (tùy thích, nếu không muốn ăn hành có thể không dùng)
2) Cách Làm
- Chuẩn bị lọ đựng chân gà, nếu được thì dùng lọ thủy tinh. Nếu không có thể dùng hộp nhựa cao thành có nắp kín. Trụng hộp/lọ đựng bằng nước sôi, rồi để ráo.
- Luộc chân gà theo cách luộc chân gà ngon ở đây
- Rửa kỹ chân gà với nước lạnh (nước đun sôi để nguội, cho thêm đá) đến khi hết nhớt dính
- Hòa tan hỗn hợp nước, nước quất, đường, muối.
- Lá chanh vò nhẹ, sau đó thái chỉ hoặc băm nhỏ
- Sả băm nhỏ hoặc thái vát
- Ớt cắt khúc
- Bỏ lá chanh, sả, ớt, và mấy lát quất vào hỗn hợp nước quất chua ngọt ở phần trên
- Khi chân gà nguội hoàn toàn (nguội cả bên trong), thì cho chân gà vào lọ rồi đổ hỗn hợp nước quất chua ngọt vào. Chú ý đảm bảo phần nước ngâm phải cao hơn phần chân, nếu cần có thể dùng một chiếc bát hoặc đĩa nhỏ dìm nhẹ chân xuống.
Khoảng 8hr là chân gà ngấm, có thể ăn được rồi. nhưng nếu để khoảng 12-24 tiếng là chân gà ngấu, ăn ngon nhất đó. Lúc này mà làm chai bia lạnh, xong lai rai ngồi xem trận đá bóng là vui quên đời luôn đó nha!