Một buổi tối, khi cơn mưa đầu hạ chợt lướt qua như một vị khách qua đường, khẽ gõ cửa nhà báo hiệu cho một mùa hè nóng nực sắp tới. Cái không khí nồm ẩm, ngai ngái của tiết trời Bắc Bộ những ngày này làm người ta bải hoải mãi không yên. Ngồi trong nhà nghe tiếng mưa khẽ lách tách ngoài hiên, ấy là lúc thích hợp nhất để cánh gà chiên mắm xuất hiện trên mâm cơm như một cử chỉ vỗ về cho những xúc cảm hỗn độn.
Chọn Cánh Gà Ngon Cho Món Ăn Vẹn Tròn
Nghĩ tới cánh gà chiên mắm, trong lúc đi chợ, người nội trợ chỉ cần nhớ mua nguyên liệu chính của món ăn: cánh gà. Những nguyên liệu khác để tạo nên món ăn dân dã mà đượm vị này, đều đã nằm sẵn trong tủ gia vị mà chẳng cần nhọc công tìm kiếm. Cái thú của công việc bếp núc chính là vậy: cùng là những nguyên liệu đó, với một tỉ lệ khác, một cách dùng lửa khác đã tạo nên một món ăn khác biệt. Bởi thế mà mâm cơm vẫn đa dạng, chiều chuộng vị giác của từng người với những món ăn khác nhau từ cùng một nguồn nguyên liệu.
Chỉ cần tinh ý một chút, người nội trợ đã có thể dễ dàng chọn cho mình một sắp cánh gà ngon. Gà để chiên, chớ chọn gà ta da mỏng, thịt lại dai khó ngấm gia vị. Một chiếc cánh gà công nghiệp đầy đặn, trắng ngần không có vết tụ máu là biểu hiện của một con gà tươi. Khẽ ấn tay vào miếng gà, thấy da có độ đàn hồi cao, không thấy có mùi hôi là có thể yên tâm mua về.

Chớ có vội vàng mà chọn miếng gà có vết bầm mà ăn phải gà ôi, lớp mỡ gà chuyển thành màu trắng mà da vẫn vàng là gà đã bị nhuộm hóa chất. Trong sự biến đổi khôn lường của các chiêu thức làm giả thực phẩm, người nội trợ cũng cần trang bị cho mình nhiều bí quyết chọn đồ hơn, vừa để bữa cơm thơm ngon, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả nhà. Ngon mà vẫn khỏe, ấy mới là một bữa cơm vẹn toàn.
Một đĩa cánh gà chiên mắm cho một bữa cơm 3 người đủ đầy cần có những nguyên liệu:
- 6 cánh gà
- Đường trắng
- Nước mắm
- Dầu ăn
- Hành khô
Nhìn những nguyên liệu bầy la liệt trên bàn, người nội trợ đã có thể mỉm cười mãn nguyện, nghĩ về niềm hạnh phúc khi được ăn ngon sau một ngày dài của các “thực khách” trong gia đình.
Đơn Giản Khi Chọn Nguyên Liệu – Tỉ Mỉ Trong Cách Chế Biến
Càng những món ăn có nguyên liệu giản đơn, cách chế biến của chúng càng cầu kì. Với những món ăn có nhiều nguyên liệu, chính tính đặc trưng của từng nguyên liệu đã làm tôn lên độ ngon của món ăn. Khi nguyên liệu cấu thành ít dần đi cũng là lúc người đầu bếp được trổ tài dùng lửa của mình.
Bởi vậy, muốn biết một người nấu ăn ngon hay không, hãy nhìn cách người đó xử lý một bữa cơm với những nguyên liệu chỉ có sẵn trong căn bếp thường nhật. Gà chiên mắm chính là một món ăn như thế.
Cánh gà mua về đã được sơ chế, nhưng để đảm bảo chất lượng, cánh vẫn nên được rửa sạch bằng nước và thêm một lần nước muối loãng để khử hết mùi hôi. Đặt gà lên đĩa có giấy thấm dầu để gà được khô ráo. Khi gà đã khô, khéo léo dùng dao cắt ở phần sụn khớp giữa phần khuỷu và phần cánh. Phần khớp nối mềm, người đầu bếp có thể dễ dàng cắt rời cánh thành hai khúc thành miếng vừa ăn.
Cánh gà có được ngấm gia vị hay không chính là nằm ở bước khía nhẹ dưới cánh gà những đường rãnh nhỏ, giúp gà dễ dàng ngấm gia vị, khiến món ăn đượm vị cả trong lẫn ngoài.
Phần chuẩn bị về cơ bản là đã xong. Người đầu bếp ung dung bắc chảo lên bếp, để lửa vừa cho khô chảo rồi đổ lượng dầu cao đến nửa cánh gà thì thôi. Đừng vội vàng cho gà vào khi dầu chưa nóng già mà hỏng cả món ăn, cũng đừng để dầu cháy khiến gà cũng cháy theo.
Dầu nóng già là khi chọc đũa xuống đáy chảo, thấy những bọt khí li ti nổi lên. Nếu dầu bắt đầu bốc khói, ấy là lúc dầu đã cháy, cần tắt bếp cho dầu nguội bớt, khi ấy công cuộc nấu nướng mới có thể tiếp tục.
Gà chiên trên lửa vừa đến khi vàng đều các mặt là vừa tới. Đừng có vội vàng cho lửa to khiến gà chỉ chín phần ngoài mà bên trong còn sống, đợi đến khi thịt bên trong chín thì phần da đã cháy xém. Sau khoảng 15 – 20 phút, những chiếc cánh gà chín vàng ruộm được gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu, phơi mình chờ công đoạn tiếp theo.
Pha một bát con ăn cơm hỗn hợp nước mắm, đường và nước sôi để nguội theo tỉ lệ 1:1:2, khuấy đều đến khi đường tan hết. Đổ hỗn hợp vào chảo, đun nóng tầm 2-3 phút cho hỗn hợp sôi lên thì thả cánh gà đã chiên chín vào chảo. Để lửa vừa, đảo đều cánh gà cho ngấm sốt, đừng đảo nhiều khiến cánh gà bị rã mà ăn mất ngon.
Hỗn hợp sốt cứ liu riu sôi, thỉnh thoảng, người đầu bếp dùng đũa đảo đều cánh gà để đảm bảo hương vị thấm đẫm đến từng lớp da, từng thớ thịt. Khi nước sốt đã sệt lại thành hỗn hợp dẻo quánh, bám dính vào từng miếng gà như sơn thêm cho miếng gà một lớp mật ong vàng óng, ấy là lúc món ăn đã thành hình.
Để tăng thêm mùi vị của món ăn, người đầu bếp phi thêm một ít hành khô, trộn đều vào hỗn hợp. Lúc ấy, mùi hương tỏa ra từ món ăn như quyện chặt lấy không gian căn bếp, mời gọi, níu giữ người đến thưởng thức, khiến ai đi ngang qua cũng muốn ghé lại, chiều chuộng bản thân sau cả ngày dài ra rời.

Trên mâm cơm đã có đĩa cánh gà chiên mắm, chỉ cần thêm một đĩa rau luộc hay canh nấu suông, ấy là đã thịnh soạn lắm rồi. Thịt gà mềm, chín đều, cắn một miếng gà nóng hôi hổi ngập răng, thấy vị ngọt của đường, vị mặn của mắm thơm lừng cả khoang miệng mà nghe lòng nao nức. Ngoài trời, cơn mưa vẫn tí tách rơi mang theo luồng gió ẩm khắp nơi, nhưng trong căn bếp đầy hương vị, cả không gian được bao trùm bởi không khí đầm ấm tự bao giờ.