Lần đầu tiên mình được ăn Baklava và trong một buổi tiệc kiểu “potluck” với bạn đồng nghiệp, khi mỗi người mang một món ăn đại diện cho đất nước của mình đến để chia sẻ và giới thiệu. Phải thú thật là ấn tượng đầu tiên với Baklava của mình không hề sâu đậm, có lẽ thứ duy nhất mình nhớ về loại bánh này sau ngày hôm đó, chỉ có vị ngọt mà thôi.
Sau ấn tượng mờ nhạt ban đầu đó, lần thứ hai mình đã thử ăn Baklava và uống trà để giảm bớt vị ngọt, và bất ngờ nhận ra hai món này kết hợp với nhau cực kỳ ăn khớp. Vị ngọt của Baklava chủ yếu là từ đường mật, kết hợp với các loại hạt khô nên có vị bùi bùi. Thử tưởng tượng kẹo lạc của Việt Nam mình kết hợp với trà mạn hợp ra sao, thì Baklava kết hợp cùng các loại trà đen hương thơm nhẹ nhàng cũng hợp y như vậy. Baklava đã được cho vào danh sách các loại bánh yêu thích của mình như thế đó
Một cửa tiệm bán Baklava
Baklava Bắt Nguồn Từ Đâu
Lịch sử hình thành của Baklava, cho tới bây giờ, vẫn còn là một ẩn số. Một số người cho rằng loại bánh này bắt nguồn từ thành phố Byzantium của Hy Lạp, trong khi một số người khác lại tin rằng nó là một món ăn của vùng Mesopotamian cổ. Hiện nay, người ta đã tạm chấp nhận rằng Baklava bắt nguồn từ người Assyria vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên.
Vì khu vực Assyria có nhiều quốc gia nằm gần nhau, Baklava đã lan rộng ra rất nhiều nước lân cận. Cái tên Baklava có nguồn gốc từ tiếng Ả rập, và hiện nay trên khắp Trung Đông, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều phiên bản khác nhau của loại bánh này.
Bánh Baklava vị hạt dẻ cười
Xưa kia Baklava được coi là một món tráng miệng đặc biệt cho tầng lớp vua chúa, và cũng chỉ có người giàu mới có thể chi trả cho món bánh đầy mật ngọt này. Thế nên ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến ngày nay, người ta vẫn thường nói “Tôi không đủ giàu để ăn Baklava hàng ngày”.
Thành Phần Cơ Bản
Các thành phần cơ bản của Baklava là các loại hạt khô (ví dụ như hạt điều, hạt dẻ cười, hạnh nhân, óc chó..), lá bột filo (phyllo) và mật. Mỗi công thức có nguồn gốc khác nhau lại có thành phần hạt hoăc mật khác nhau. Ví dụ như mật vị hoa hồng và thảo quả sẽ cho biết loại Baklava đó có nguồn gốc Ả Rập; trong khi mật vị quế và đinh hương thì cho biết Baklava đó có nguồn gốc từ bán đảo Balkan.
Filo chúng ta biết ngày nay cũng có một lịch sử lâu dài và vô cùng thú vị. Loại bột bánh này được sinh ra ở Istanbul trong triều đại Ottoman. Chính người Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa Filo đến với Trung Âu. Cho tới năm 1946, loại bột bánh này luôn được làm bằng tay bằng cách nhấn và kéo hàng giờ cho đến khi lớp bột mỏng như tờ giấy. Ngày nay Filo có thể được làm bằng máy và bán sẵn đông lạnh trong nhiều siêu thị ở nước ngoài.
Filo mỏng chỉ như tờ giấy
Ở tại Việt Nam, việc kiếm được bột Filo có vẻ là không tưởng, nên cứ khi nào nhớ nhung Baklava mình lại tự làm và để dành trong tủ đá. Nếu bạn nào từng làm Mỳ Ý thì chắc chắn sẽ không xa lạ gì với việc trộn, nhào, hay cán bột; và chắc chắn không gặp bất cứ khó khăn gì với việc làm Filo.
Đây là công thức cực đơn giản (trộn bột và cán bằng máy) mình hay dùng:
Cách làm Filo (Phyllo) – Công thức siêu đơn giản dùng máy cán mỳ
Thời gian thực hiện: 3 tiếng
Nguyên liệu:
- 4 Cups Bột mỳ
- 1 Tsp Dấm trắng
- 1 Tsp Dầu olive
- 15ml Nước chanh
- 300ml Nước ấm (70 độ C)
- Bột áo
Cách làm:
- Đổ bột vào máy trộn, rồi lần lượt cho giấm, dầu olive, và nước chanh vào. Bật máy khoảng 60 giây đến khi hỗn hợp quện đều
- Tăng tốc độ máy trộn lên tối đa rồi từ từ đổ nước ấm vào. Trộn đến khi hỗn hợp bột trông hơi rời rạc như vụn bánh quy
- Đổ hỗn hợp ra một tô trộn lớn, và nhào lại đến khi bột trở thành một khối mềm mịn
- Đổ bột ra bàn có áo bột, và nhào trong khoảng 10 phút. Bột lúc này vẫn có thể sẽ hơi vụn, đừng lo lắng gì vì bạn vấn làm đúng nhé!
- Bọc bột bằng màng nilon và để bột nghỉ 2 tiếng trong tủ lạnh
- Chia nhỏ bột thành 10 miếng, và sử dụng nấc to nhất trong máy làm mỳ để cán mỏng dần miếng bột. Giảm số của máy làm mỳ lần lượt tới khi đạt được nấc mỏng nhất của máy (thường là số 9). (Nếu trong quá trình làm, bột bắt đầu hơi mềm ẩm hoặc dính, mình có thể rắc thêm một chút áo bột để dễ cán hơn)
Filo mới chỉ là khởi đầu của món Baklava nhưng cũng là phần khó nhất. Thông thường dùng máy cán mỳ sẽ chưa đạt được độ mỏng “tan” mong muốn nên mình hay cán thêm bằng tay đến khi ưng ý.
Trong thời gian 2 tiếng đợi bột nghỉ trong tủ lạnh, mình có thể tranh thủ chuẩn bị nguyên liệu như sốt hoặc hỗn hợp hạt xay cho bánh Baklava. Về cơ bản mình thấy bánh baklava bao gồm nhiều lớp bột tách lớp, và có nét giống với bột ngàn lớp nhưng là phiên bản “thủ công” hơn vì mình sẽ phải tự đặt các lớp bột và phết bơ lần lượt, thay vì chỉ cần gập và cán.
Công thức làm bánh Baklava (đơn giản) mình hay dùng như sau:
[penci_recipe]